Searching...

Chưa có cơ sở kết luận mảnh vỡ là của máy bay

Cập nhật: Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014 Hiện có: 0 bình luận Tag: , Tác giả:


Đại diện Hải quân vùng 5 cho biết, không thể khẳng định mảnh vỡ là của chiếc Boeing 777 mất tích. Dù vậy, Việt Nam tiếp tục huy động 5 máy bay và 7 tàu thủy tìm kiếm mở rộng quanh vùng phát hiện vật thể lạ.

11h sáng 10/3, Hải quân vùng 5 cho biết, hai tàu của đơn vị 637 và 954 lên đường hôm 8/3 vẫn đang tích cực tìm kiếm ngoài khơi. Trong bờ, 5 tàu hải quân khác sẵn sang chờ lệnh xuất phát.

“Chúng tôi đang chờ thông tin từ hai tàu tìm kiếm gửi về, còn chưa có cơ sở khẳng định mảnh vỡ tìm thấy là của máy bay”, đại diện Hải quân vùng 5 cho biết.

Trong khi đó, CNN dẫn lời ông Azharuddin Abdul Rahman, tổng giám đốc Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia, cho hay nước này vẫn chưa nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào của chiếc phi cơ Boeing 777-200 bị mất tích. Ông này cũng bác các thông tin trước đó về việc tìm thấy một chiếc cửa của máy bay.

"Dù chưa có kết quả tích cực nào, Hãng hàng không Malaysia vẫn đang tích cực phối hợp với Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia (DCA) trong hoạt động tìm kiếm và cứu hộ", hãng hàng không cho biết trong một thông báo. "DCA xác nhận rằng lực lượng cứu hộ từ Australia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Philippines và Mỹ đang tích cực hỗ trợ. Chúng tôi rất biết ơn những nỗ lực này".

Cũng theo Hải quân vùng 5, khoảng 40 cơ quan báo đài trong và ngoài nước đăng ký tác nghiệp, trong đó có Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, Truyền hình Hong Kong.

Do triển khai việc cứu hộ ở sân bay Phú Quốc, nên chuyến bay dân dụng VN1813 từ TP HCM - Phú Quốc lúc 7h hạ cánh trễ 30 phút.

Chiếc Mi 02 đậu tại sân bay Phú Quốc. Ảnh: An Nhơn

10h, trung tá phi công Nguyễn Đức Tải (Trung đoàn 917) trực đài Chỉ huy sân bay Cà Mau cho biết, trực thăng Mi 171 số 02 đã đón Thứ trưởng Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu ra khu vực nghi vấn có vật thể lạ. Với lượng nhiên liệu trong máy bay, ông Tải nhận định thời gian hoạt động của trực thăng trên khu vực tìm kiếm có thể từ 1 đến 1,5 tiếng, dự kiến quay về sân bay Cà Mau lúc 12h30.

Khu vực Thứ trưởng Tiêu thị sát có thêm 2 chiếc máy bay AN 286 và 261 làm nhiệm vụ tìm kiếm và chiếc AN 287 thực hiện việc chuyển tiếp thông tin. Như vậy, Việt Nam đã huy động 5 máy bay trong ngày tìm kiếm thứ ba.

Tại sân bay Cà Mau, máy bay Mi 171 số 04 đang được kiểm tra, tiếp đầy nhiên liệu để sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào. Trên trực thăng này có 2 cẩu 150 kg và 300 kg, đảm bảo kéo cùng lúc 2 người từ dưới biển lên để cấp cứu nếu gặp trường hợp bị nạn.

Hai ngày nay thời tiết trên vùng biển Cà Mau nắng đẹp, sức gió 15-20 km/h, tầm nhìn của lực lượng làm nhiệm vụ từ 7-10 km.

Kiểm tra buồng lái trực thăng Mi 171. Ảnh: Duy Khang

Ông Tải cũng cho hay, ông đã biết thông tin thành lập Sở Chỉ huy phòng không không quân tiền phương tại sân bay Cà Mau nhằm điều phối hoạt động tìm kiếm, hỗ trợ các phương tiện khác ứng cứu máy bay Malaysia mất tích.

9h sáng, cảnh sát biển vùng 4 đã mở rộng khu vực tìm kiếm quanh nơi phát hiện mảnh composite nghi của máy bay gặp nạn nhưng chưa tìm được vật thể. "Chúng tôi đang tiếp tục bám trụ khu vực này, có thể điều động tàu tiếp thêm nhiên liệu cho các tàu cứu hộ", Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Cảnh sát biển Vùng 4 nói và cho biết hai tàu CSB 2001 và CSB 2003 đã quần đảo suốt đêm qua.

Trước đó khoảng nửa tiếng, chiếc thủy phi cơ DHC6 VNT 777 chở theo bác sĩ và các chiến sĩ bơi giỏi của hải quân vùng 5 đã cất cánh từ Phú Quốc trở lại nơi chiếc máy bay này phát hiện vật thể lạ tối qua.

Tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (Hà Nội), Thứ trưởng Quốc phòng Đỗ Bá Tỵ và tướng Phương Minh Hòa - Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân bàn bạc các phương án tìm kiếm. Theo đó, các lực lượng tiếp tục tăng cường phương tiện, mở rộng vùng tìm kiếm về phía tây bắc so với khu vực tìm kiếm ban đầu.

Theo kế hoạch, chiếc A56 mở rộng khu vực bay khoảng 14.000 km2 phía nam đảo Thổ Chu. Trực thăng Mi 171 xác minh thông tin vật thể lạ tại phía tây nam, cách đảo 80 km.

Để đảm bảo an toàn bay và tiếp cận vớt vật thể lạ, máy bay Việt Nam sẽ bay ở độ cao từ 1.500 m trở xuống, tầm trên là do máy bay nước ngoài phụ trách.

Thủy phi cơ DHC6 VNT 777 chuẩn bị cất cánh. Ảnh: Đức Đồng

Ngoài 4 máy bay và 7 tàu thủy Việt Nam, 1 máy bay của Singapore; 2 tàu lớn cùng một số tàu nhỏ và 2 máy bay của Trung Quốc cũng được cấp phép vào khu vực tìm kiếm trên lãnh thổ Việt Nam.

Malaysia đã thống nhất với Việt Nam tìm kiếm phía nam đường FIR HCM. Singapore sẽ tìm kiếm khu vực giữa Việt Nam và Malaysia.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định, việc cấp phép cho tàu nước ngoài nhằm tạo mọi điều kiện và hỗ trợ hết sức cho công cuộc tìm kiếm cứu nạn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn và an ninh trên biển, chủ quyền lãnh thổ bằng cách phân khu vực và có tàu của Việt Nam đi cùng.

Về tổ chức lực lượng, Việt Nam sẽ tổ chức bốt chỉ huy tại tàu SAR 414, quân chủng Hải Quân đảm bảo cung cấp, tiếp tế dầu từ bây giờ cho đến khi kết thúc nhiệm vụ; Thành lập bộ phận chỉ huy của không quân tại Cà Mau. Trung tâm chung là Cục cứu hộ cứu nạn phải tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi thông tin, báo cáo Chính phủ, quân ủy Trung ương.

Sở chỉ huy tiền phương của quân chủng Phòng không không quân đặt tại sân bay Cà Mau, đài chỉ huy bổ trợ trên tàu SAR 413 và Phú Quốc.


7h12 phút sáng 10/3, một chiếc Mi 171 của Trung đoàn 917 cất cánh từ sân bay Cà Mau ra Phú Quốc đón Thứ trưởng Giao thông Phạm Quý Tiêu đến nơi phát hiện vật thể lạ. Ảnh: Duy Khang

4h, đội bay gồm hai chiếc trực thăng Mi 171 số hiệu 02 và 04 sẵn sàng cho ngày tìm kiếm mới. Chiếc 02 bay ra Phú Quốc (Kiên Giang) đón Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu rồi đến khu vực phát hiện vật thể lạ trước khi trở lại sân bay Cà Mau. Chiếc trực thăng 04 sau khi tiếp đầy nhiên liệu trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh.

Dự kiến ngày 10/3, Việt Nam sẽ điều động 4 máy bay tham gia gồm 2 máy bay AN26, 1 thủy phi cơ DHC 6 và 1 trực thăng. 2 máy bay trực thăng khác được chuẩn bị để sẵn sàng chờ lệnh.

Hai tàu gồm tàu kiểm ngư KN 774 và tàu cảnh sát biển CSB 2003 đã có mặt tại tọa độ của vật thể lạ do máy bay đánh dấu, cách đảo Thổ Chu 80 km về hướng nam tây nam. Tuy nhiên, đến đầu giờ sáng nay vật thể lạ chưa được xác minh.


Các phi công Trung đoàn 917 hội ý lúc 5h sáng tại sân bay Cà Mau, chuẩn bị lên đường tìm kiếm máy bay Malaysia. Ảnh: Duy Khang.

Máy bay Boeing 777-200 mang mã hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines cất cánh từ Kuala Lumpur lúc 0h41 ngày 8/3, dự kiến tới Bắc Kinh (Trung Quốc) lúc 6h30 cùng ngày. Gần một tiếng sau, lẽ ra máy bay phải đi vào vùng kiểm soát bay TP HCM nhưng đã mất hoàn toàn liên lạc. Trên máy bay có 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, là công dân 13 nước.

Sự mất tích của MH370 để lại nhiều dấu hỏi chưa có lời giải đáp như thời gian mất liên lạc, máy bay thuộc loại tối tân nhưng biến mất không phát bất cứ tín hiệu nào. 4 hành khách đã lên máy bay được cho là sử dụng hộ chiếu giả hoặc hộ chiếu đánh cắp, khiến nhiều người nghi ngờ tới khả năng khủng bố.

Việt Nam cùng các lực lượng cứu hộ quốc tế đã bắt đầu hoạt động tìm kiếm từ sáng cùng ngày, với tổng cộng 23 máy bay và 39 tàu biển. Riêng Việt Nam chuẩn bị lực lượng gồm 9 máy bay và 11 tàu biển các loại.

Sau hai ngày tìm kiếm, những dấu vết ít ỏi tìm thấy như vệt nghi dầu loang, khúc gỗ đều không liên quan tới máy bay mất tích. 18h30 hôm qua, thủy phi cơ Việt Nam phát hiện một miếng composite hình vuông nghi là cửa máy bay. Đây là manh mối quan trọng để các lực lượng tiếp cận xác minh trong sáng nay.


Số phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn tính từ ngày 8/3 đến đêm 9/3. Nguồn: Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Theo vnexpress.net





Các chủ đề liên quan

Quảng cáo